Người dân TP.HCM không thể quên trận mưa tối 19-5 vừa qua bởi tình trạng ngập nước xảy ra tại rất nhiều khu vực khiến nhiều người khốn khổ dắt bộ trong nước ngập có khi ngang bụng. Thế nhưng, trong cuộc họp sáng nay 22-5, theo số liệu mà Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP cung cấp thì theo số liệu thống kê của cơ quan này toàn thành phố chỉ có 10 điểm ngập, còn lại là ‘tụ nước’.
Nhiều tuyến đường ngập nặng chưa được thống kê
Thực tế các hình ảnh ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ trong tối 19-5 thì toàn thành phố có rất nhiều tuyến đường điểm ngập sâu khiến người dân khốn khổ lội nước trong đêm nhiều tiếng mới về được đến nhà đã không nằm trong 10 con đường mà Sở Giao thông vận tải thống kê. Các điểm ngập này chỉ được xem là "tụ nước" sau mưa.
Cụ thể, trong danh sách mà Sở GTVT TP thống kê có đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân) - một trong trong số 22 tuyến đường không ngập mà chỉ tụ nước sau mưa. Những hình ảnh ghi nhận đêm 19-5 của phóng viên cho thấy người dân rất khổ sở khi lưu thông qua đoạn đường này. Xe chết máy cứ nối đuôi nhau trên đường. Nhiều người bị té ngã vì xe sụp ổ gà ướt hết quần áo, túi xách.
Người dân dắt xe chết máy trên đường Hồ Học Lãm ngập sâu đêm 19-5 nhưng theo Sở GTVT thì đường này chỉ "tụ nước" sau mưa - Ảnh: HỮU KHOA.
Còn đường Sinco (quận Bình Tân) dù nước lênh láng cũng nhưng cũng không hề được nhắc đến với vai trò là điểm ngập hay tụ nước. Theo ghi nhận, cho tới 22h đêm 19-5, công nhân tan ca vẫn phải lội bì bõm trên đường này để về nhà.
Đường Sinco (Q.Bình Tân) không có trong thống kê điểm ngập hay tụ nước - Ảnh: HỮU KHOA.
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) không đưa vào danh sách điểm ngập và tụ nước nhưng thực tế nước vẫn lênh láng gây không ít khó khăn cho người đi đường.
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh sau cơn mưa tối19-5 - Ảnh: T.L
Trả lời liệu số điểm ngập và chiều sâu điểm ngập sau trận mưa có quá "lạc quan" hay không?, ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP cho biết tiêu chí đánh giá điểm ngập được tính theo qui định của Bộ Xây Dựng. Theo đó, sau khi dứt mưa khoảng 30 phút, các đơn vị mới đo tại các tuyến đường để thống kê, kiểm đếm các các vị trí ngập hoặc tụ nước. Nếu dứt mưa khoảng 30 phút mà đường còn ngập lớn hơn hoặc bằng 0,1m thì gọi là điểm ngập. Vị trí tụ nước với độ sâu trùng bình ≤ 0,1m sau khi dứt mưa 30 phút không được gọi là ngập. Việc đo độ sâu không thể đo tại chỗ trũng được mà phải đo lấy độ sâu trung bình trên một tuyến đường.
10 đường ngập, 22 đường "tụ nước'
Theo thống kê của Sở GTVT TP trận mưa lịch sử ngày 19-5 chỉ có 10 tuyến, với chiều sâu ngập từ 0,10m đến 0,25m; thời gian rút nước trung bình sau mưa từ 30 phút đến 03 giờ đồng hồ, gồm các tuyến: Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, đường số 26, Cây Trâm, Phan Huy Ích, Nguyễn Xí, Quốc Hương. Cá biệt các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Phan Anh thời gian nước rút khoảng 5h sau khi kết thúc mưa.
Do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn nên xuất hiện tình trạng tụ nước trên 22 tuyến đường, thời gian rút nước trung bình sau mưa từ 10 phút đến 20 phút.Gồm các tuyến: Mai Thị Lựu, Tô Hiến Thành, Trường Sơn, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng, Cao Văn Lầu, Lê Quang Sung, Tôn Thất Hiệp, Calmette, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư, Dương Văn Cam, Quốc lộ 1A, Hồ Học Lãm, An Dương Vương, Chánh Hưng, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá.
Một chiếc xe ngập gần hết bánh trên con hẻm đường Hồ Ngọc Lãm quận Bình Tân - Ảnh: HỮU KHOA
Hàng trăm xe máy chết máy do ngập sâu - Ảnh: HỮU KHOA
ĐỨC PHÚ - NGỌC ẨN
(https://tuoitre.vn/duong-ngap-gan-het-banh-xe-so-gtvt-noi-chi-la-tu-nuoc-20180522161912114.htm)