Lợi thế về quỹ đất
Khu vực phía Tây TP.HCM có lợi thế lớn là giáp với các tỉnh Long An, Tây Ninh và có trục đường chính về miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, điểm yếu của khu vực này là hạ tầng chưa đồng bộ, có quá nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp bao quanh.
Theo ông Bùi Văn Hiếu, Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM, những điểm yếu trên đã làm thị trường bất động sản khu Tây kém phát triển thời gian qua.
Thị trường bất động sản khu Tây TP.HCM đang có nhiều lợi thế để phát triển. |
Tuy nhiên, nhận diện thị trường này hiện nay, ông Hiếu cho biết, “gió đang xoay chiều”, tạo thuận lợi cho thị trường bất động sản phát triển.
Chẳng hạn, bộ mặt giao thông khu Tây đã phát triển mạnh mẽ và xuất hiện những dự án giao thông ngàn tỷ đồng, như hầm chui giao lộ An Sương (quận12 - Hóc Môn đi tỉnh Long An, Tây Ninh); tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) nối Bến Thành quận 1 về đường Trường Chinh và tới Bến xe An Sương; tuyến đường vành đai 4 với tổng chiều dài toàn tuyến 35,8 km.
Những tuyến đường kết nối theo dạng xương sống qua các quận, huyện của khu Tây cũng dần hình thành, như đường Trường Chinh, Cộng Hòa. Các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, kênh đôi Lò Gốm… đã đưa vào hoat động.
Ngoài ra, một lợi thế đòn bẩy cho thị trường khu Tây là quỹ đất tại đây liên tục được mở rộng. Chẳng hạn, quỹ đất 50 ha tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa đang được di dời. Sau khi di dời xong trong năm 2018, đây sẽ là quỹ đất rộng lớn cho doanh nghiệp địa ốc xây dựng dự án.
Bến xe Miền Tây cũng đang trong giai đoạn di dời, tạo một quỹ đất khá lớn cho khu vực này.
Bên cạnh đó, một quỹ đất hơn 12.000 ha, chiếm 5% tổng diện tích đất của TP.HCM tại huyện Củ Chi đang được nhà đầu tư nhắm tới để xây dựng các dự án bất động sản.
Một đòn bẩy nữa là năm 2018, TP.HCM bỏ chính sách hộ khẩu trong tuyển lao động tại những lĩnh vực mà trước kia phải có hộ khẩu TP.HCM mới được vào làm việc. Điều này tạo cho khu Tây một cơ hội phát triển mới, khi quỹ đất rộng, giá đất rẻ, lại giáp với tỉnh Long An - nơi thị trường bất động sản đang phát triển rất mạnh mẽ.
Ngoài ra, chính sách chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở mà TP.HCM đưa ra áp dụng trong năm nay cũng là đòn bẩy quan trọng cho thị trường bứt phá lớn bởi đa phần đất nông nghiệp của TP.HCM nằm tại các quận, huyện của khu Tây.
Doanh nghiệp hướng về khu Tây
Mới đây, thị trường bất động sản TP.HCM đã dậy sóng khi Tập đoàn Tuần Châu có đề xuất với TP.HCM về việc đầu tư Dự án Thành phố mới (New City) và Dự án Hồ cảnh quan trung tâm thành phố mới tại Củ Chi, với tổng diện tích khoảng 12.400 ha. Tập đoàn Tuần Châu cho biết, tổng vốn đầu tư cho các dự án nói trên lên đến 65.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, một lãnh đạo của Công ty HungThinh Corp cho biết, Công ty đang tìm hiểu quỹ đất 200 ha tại huyện Hóc Môn. Trước đó, năm 2016 và 2017, HungThinh Corp đã thành công với hàng loạt dự án bất động sản ở khu Tây như chuỗi dự án chung cư 8X.
NovaLand cũng được cho là doanh nghiệp có nhiều tham vọng với thị trường khu vực này.
Trong khi đó, An Gia Investment đang nhòm ngó khu Tây. Lãnh đạo công ty này cho biết, An Gia đang nhắm vào những quỹ đất của khu Tây để phát triển dự án trong thời gian tới.
Không chỉ doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp nhỏ cũng đã nhanh chân ôm được quỹ đất tại khu Tây để phát triển dự án như Hiển Vinh Group, Trần Anh Group, Cát Tường Group…
Ông Bùi Văn Hiếu cho rằng, với những tín hiệu trên, không lâu nữa, khu Tây sẽ lại phát triển mạnh mẽ như khu Đông TP.HCM.
“Trước đây, khi khu Nam bùng nổ, khu Đông trầm lắng và âm thầm phát triển hạ tầng giao thông, nhưng khi hạ tầng giao thông hoàn thiện thì khu Đông đã vượt xa khu Nam. Giờ đây khu Tây cũng đang có kịch bản tương tự”, ông Hiếu nói.