1. Cầu Thủ Thiêm 2
Khởi công ngày 3/2/2015, cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 và 2) có tổng mức đầu tư gần 4.260 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức Hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Công trình sẽ góp phần giảm tải cho hầm Thủ Thiêm cũng như tạo động lực phát triển cho khu đô thị Thủ Thiêm.
Cầu dài gần 1,5 km với 6 làn xe. Trong đó, phần cầu dài gần 900 m được thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113 m nghiêng về phía Thủ Thiêm - biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, cầu Thủ Thiêm 2 được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ngày lẫn đêm.
Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và 2. |
Điểm đầu cầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1) chạy dọc theo đường Tôn Đức Thắng vượt sông Sài Gòn và kết nối với Đại lộ Vòng cung (Tuyến R1) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Theo kế hoạch, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng vào dịp lễ 30/4 năm 2018, sau 38 tháng thi công.
2. Bốn đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm
Tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BT, bốn trục đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) gồm: đại lộ vòng cung (6 làn xe), đường ven hồ trung tâm (4 làn xe), ven sông Sài Gòn (nhìn sang quận 1 gồm 2 làn xe), đường trên cao qua Khu lâm viên sinh thái phía Nam - được xem như "xương sống" của khu đô thị.
Bốn tuyến đường chính sẽ giúp khu đô thị Thủ Thiêm sớm hoàn thiện. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Với tổng chiều dài gần 12 km, bao gồm 10 cây cầu (trong đó có hai cầu cạn) bốn tuyến đường này khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ với các công trình giao thông hiện hữu như cầu Thủ Thiêm 1, Đại lộ Đông Tây và các cầu qua sông Sài Gòn theo quy hoạch.
Các tuyến đường này cũng liên kết trung tâm thành phố hiện hữu và các tỉnh lân cận, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Đông.
Khởi công ngày 26/4/2013, dự kiến bốn tuyến đường này sẽ được hoàn thành trong năm 2018, tạo động lực cho khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển.
3. Nút giao Mỹ Thủy
Được làm từ tháng 6/2016 nhằm giảm ùn tắc cho các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái - lớn nhất Việt Nam, nút giao Mỹ Thủy (quận 2) có tổng đầu tư gần 840 tỷ đồng từ vốn ngân sách.
Giai đoạn một dự án gồm: cầu vượt 4 làn xe theo hướng đường Vành Đai 2; hầm chui theo hướng rẽ trái từ Vành Đai 2 đi Cát Lái; xây cầu Kỳ Hà 3; các nhánh đường bờ tả và bờ hữu rạch Mỹ Thủy.
Nút giao Mỹ Thủy (quận 2, TP HCM). Ảnh: Google maps. |
Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 6/2018. Lúc này, dòng xe trên đường Vành Đai 2 sẽ lưu thông theo hầm chui về hướng Cát Lái, dòng xe từ cầu Rạch Chiếc 2 về Phú Mỹ sẽ đi theo hướng cầu vượt.
Đồng thời, lượng xe 2 bánh trên đường Nguyễn Thị Định đi qua hầm chui không phải lưu thông chung với ôtô như hiện nay.
Nút giao thông Mỹ Thủy là điểm giao hai trục giao thông quan trọng của thành phố ở cửa ngõ phía Đông gồm đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Đây cũng là 2 tuyến đường ra vào cảng Cát Lái có lượng xe vận chuyển hàng hóa rất lớn với hơn 18.000 lượt xe tải, container. Vì vậy, khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, ảnh hưởng quá trình vận chuyển hàng hóa ra vào cảng.
4. Hầm chui An Sương
Khởi công đầu năm 2017 với tổng vốn đầu tư 514 tỷ đồng, hầm chui An Sương (quận 12 - huyện Hóc Môn) nhằm giải quyết cấp bách "điểm đen" ùn tắc và tai nạn nhiều năm liền ở TP HCM. Dự án dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công (khoảng 8/2018).
Thiết kế hầm chui An Sương khi hoàn thành. |
Công trình là hầm chui đôi, gồm một hầm cho các loại xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Chinh đi Quốc lộ 22 và một hầm cho xe lưu thông chiều ngược lại. Mỗi hầm rộng 9 đến 9,5 m cho 2 làn xe, kể cả xe siêu trường, siêu trọng lưu thông với vận tốc 50 km/h.
Hầm được thiết kế có tuổi thọ 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Khi hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành nút giao 3 tầng với hệ thống hầm chui, cầu vượt và đường trên mặt đất giúp thông thoáng trục đường huyết mạch từ TP HCM đi các tỉnh miền Đông, miền Tây và ngược lại.
5. Cầu vượt ngã năm Nguyễn Thái Sơn
Nhằm giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cầu vượt Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm hình chữ N được khởi công ngày 8/2/2017 theo lệnh cấp bách của Thủ tướng với tổng mức đầu tư 504 tỷ đồng.
Công trình gồm nhánh hướng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn; nhánh cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám và nhánh từ đường Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn. Cả 3 đều dài gần 370 m, rộng 7,5 m.
Phối cảnh cầu vượt thép hình chữ N ở nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp). |
Nhánh Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn đã được thông xe hôm 3/7/2017 sau 5 tháng thi công và nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám cũng được đưa vào sử dụng vào cuối năm ngoái.
Nhánh cầu còn lại là Nguyễn Kiệm (phía Công viên Gia Định) đi về Nguyễn Thái Sơn đang giải phóng mặt bằng. Hồi cuối năm 2017, UBND TP HCM đã đề nghị Bộ Quốc phòng sớm bàn giao khu đất ở khu vực nút giao Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) để sớm hoàn thành toàn bộ 3 nhánh cầu vượt.
Theo chủ đầu tư là Khu quản lý giao thông đô thị số 3 (Sở GTVT TP HCM), ngay khi có mặt bằng, công trình sẽ được xây dựng và dự kiến hoàn thành sau 3 tháng thi công. Khi cả 3 nhánh cầu vượt đều được thông xe, cảnh kẹt xe ở nút giao này được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể.
Hữu Công
(https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/nam-cong-trinh-trong-diem-ky-vong-giam-un-tac-cho-tp-hcm-nam-2018-3692020.html)